Bài học marketing theo sự kiện từ chiến dịch Olympics 1984 của McDonald's

Bài học marketing theo sự kiện từ chiến dịch Olympics 1984 của McDonald's

16/05/2018 1814
Tưởng thành công rực rỡ nhưng không ngờ đây lại biến thành thảm họa marketing không muốn nhìn lại của McDonald's.

Trước khi bắt đầu kỳ Olympics 1984, McDonald’s đã nảy ra ý tưởng marketing khá thú vị. Họ sẽ tặng những phần ăn miễn phí đối với mỗi huy chương vàng mà vận động viên Mỹ dành chiến thắng. 

 

Mỗi khách hàng mua sản phẩm của McDonald’s sẽ nhận được một thẻ cào, trong đó có tên một môn thể thao ở Olympics. Nếu nước Mỹ đạt huy chương vàng ở môn đó, khách hàng có thẻ cào sẽ nhận được 1 cái bánh Big Mac miễn phí; Huy chương bạc là 1 phần khoai tây chiên; Huy chương đồng là một lon Coke.

 

Đây là một ý tưởng khá thú vị và phần nào đó nó làm nâng cao tinh thần thi đấu của các vận động viên cũng như niềm tự hào của các cổ động viên nước nhà. Ý nghĩa của chiến dịch là thành công của vận động viên điền kinh nổi tiếng Carl Lewis cũng sẽ là thành công của cả nước. Chính vì vậy, khẩu hiệu của chiến dịch này là: "U.S win, you win" - "Nước Mỹ chiến thắng, bạn chiến thắng".

 

 

Nhưng có một yếu tố mà đội ngũ marketing phụ trách chiến dịch này của McDonald's chưa tính toán đến: Nước Nga không tham gia kỳ thế vận hội lần này. Trong khi đó đây lại là một đội tuyển cực kỳ mạnh. Thời kỳ đó, nước Nga không tham gia kéo theo một số đồng minh gồm Đông Đức - nơi sản sinh ra những vận động viên bơi lội hàng đầu, và Triều Tiên – quê hương của các ngôi sao môn bóng bàn cũng vắng mặt. Điều này có nghĩa là nước Mỹ sẽ hoàn toàn chiếm được lợi thế. 

 

Mọi việc sau đó diễn ra đúng y như vậy. Nếu như nước Mỹ đạt được 94 huy chương vào kỳ thế vận hội mùa hè năm 1976 (34 huy chương vàng) thì họ đã kết thúc kỳ thế vận hội năm 1984 với 174 huy chương trong đó 83 huy chương vàng.

 

Nước Mỹ rất vui, dĩ nhiên rồi. Nhưng McDonald’s thì không! Điều đó có nghĩa là rất nhiều người sẽ được nhận đồ ăn miễn phí từ McDonald's. Một bài báo trên tờ New York Times có nói rằng "một vài trong số 6.600 cửa hàng nội địa của McDonald’s thậm chí tuyên bố cháy món Big Macs". Đại diện của McDonald’s từ chối cho biết dự kiến thiệt hại từ chiến dịch quảng cáo lần này nhưng tờ Time có tóm tắt đây là một con số "không thể tin được".

 

Thậm chí, một người dùng có tên KC-97HORN đã nói rằng chiến dịch quảng cáo dịp Olympics 1984 đã giúp nuôi sống gia đình anh trong một khoảng thời gian khi họ gần như chẳng còn 1 xu nào dính túi: Với mỗi một lần gọi hàng bạn nhận được một thẻ cào vì vậy bạn có thể nhanh chóng ra về với một ly coke miễn phí. Khi đổi lấy lon coke miễn phí, bạn lại nhận được một chiếc thẻ cào mới. Cứ như vậy, bạn thậm chí có thể sử dụng 3 thẻ cào cho 3 loại khác nhau và thế là được một bữa ăn trọn vẹn rồi!

 

Anh này nói rằng sau đó đã thu thập được "cả đống thẻ cào".

 

Không những thiệt hại về tài chính, danh tiếng của McDonald's thậm chí còn chịu ảnh hưởng rất lớn sau vụ việc này. Chiến dịch marketing của họ bị chế nhạo trong nhiều năm. Ý tưởng marketing của họ thậm chí bị chế nhạo trên một chương trình truyền hình. 

 

Dĩ nhiên nếu nước Nga tham dự kỳ Olympics năm 1984, nhiều khả năng chiến dịch marketing của McDonald's lại thành công. Nói chung với bất kỳ chiến dịch nào, các công ty dù lớn hay nhỏ cũng cần phải cân nhắc thật kỹ lưỡng mọi tình huống, trường hợp có thể xảy ra nếu không rất dễ biến thành thảm họa. 

Vân Đàm

Nguồn: Laist

Theo Tri Thức Trẻ