Trao đổi cùng VnExpress, ông Alan Cerutti - nhà đồng sáng lập kiêm CEO Happiness Saigon, một chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm về thương hiệu và truyền thông trong môi trường quốc tế nhận định, các nhãn hàng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã có những bước đi đúng đắn và cần thiết để thành công hơn trong thế giới 3.0 năm qua.
Ở thế giới này, với cùng một nhiệm vụ không đổi là agency (đại lý tiếp thị quảng cáo) giải quyết các vấn đề truyền thông của nhãn hàng, nhưng cách triển khai đã thay đổi, thông qua kênh truyền thông và kết nối đa phương tiện.
Trong đó, sáng tạo và đổi mới là bắt buộc. Dữ liệu số sẽ có mặt ở khắp mọi nơi. Theo ông Alan, những động thái này sẽ đạt đà tăng trưởng cao trong năm 2018, bởi chúng sẽ thúc đẩy kinh doanh, tăng hiệu suất làm việc và hỗ trợ chiến dịch thông minh hơn. Đồng thời, vị chuyên gia cũng đưa ra 6 dự đoán, cũng là những hướng đi cần cân nhắc trong hoạt động truyền thông năm 2018.
Tập trung vào ý tưởng hơn công nghệ
Công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong tiếp thị. Đối với ngành bán lẻ, sự ra đời của nền tảng thương mại điện tử đã gây ra những thay đổi lớn trong cuộc chơi, như Amazon và Alibaba (ở Việt Nam là Lazada) tập trung chủ yếu vào công nghệ.
Nhưng trong thế giới 3.0 – thế giới của nội dung, dữ liệu và trải nghiệm đa phương tiện - việc xây dựng thương hiệu và tạo một lợi thế cạnh tranh thông qua những nền tảng và ý tưởng sáng tạo rất quan trọng.
Sức mạnh của sáng tạo chính là yếu tố xác định lợi nhuận thu được từ sự đầu tư đúng chỗ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều này. Công nghệ đóng vai trò chủ yếu trong nghiên cứu khách hàng, tìm cách thu hút sự tham gia từ người tiêu dùng, xác định chi phí và giá trị tốt hơn.
Tuy nhiên, chính sự sáng tạo giúp chúng ta tìm được câu chuyện, tiếng nói và bản sắc riêng để nổi bật trong thị trường đầy cạnh tranh. Sáng tạo là nhân tố quyết định, là thứ làm nên những điều kỳ diệu. Sáng tạo là thứ quan trọng nhất để tạo ra thương hiệu vững bền thực sự.
Chú ý giá trị hơn là giá thành
Trong khi nhà bán lẻ và thương hiệu hàng tiêu dùng đang đối mặt với áp lực cao khi phải cạnh tranh với những nền tảng thương mại điện tử khổng lồ, thì có vẻ hơi nghịch lý khi nói rằng, thực tế có nhiều cơ hội để cắt giảm chi phí. Nhiều cuộc chiến về giá cả mà chúng ta có thể giành chiến thắng.
Các nhãn hàng ngày càng thêm thắt nhiều giá trị không chỉ trong tâm trí người tiêu dùng, mà còn trên nền tảng thương mại điện tử và trong nội bộ nhân viên của họ. Trong năm 2017, nhiều nhãn hàng tập trung vào mục đích cao cả đằng sau thương hiệu của họ, khiến những cuộc thảo luận nghiêng về giá trị hơn là giá thành sản phẩm.
Trong năm nay, hy vọng việc thúc đẩy giá trị sẽ giúp cân bằng những cuộc tranh luận về xây dựng thương hiệu, sức mạnh của sáng tạo chân chính và sự cần thiết của việc đầu tư vào chính thương hiệu đó.
Hiểu rằng 'mục đích' sẽ giúp tăng lợi nhuận
'Mục đích' chắc chắn là một chủ đề nóng trong thế giới tiếp thị những năm gần đây. Nhưng năm nay, hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào sự thật rằng 'mục đích' sẽ giúp tăng lợi nhuận. Đó là lý do tại sao những doanh nhân khởi nghiệp đang vượt mặt nhiều doanh nghiệp lớn.
Khách hàng muốn thấy những điều chân thực. Và những nhà khởi nghiệp là đại diện rõ nhất cho tính chân thực đó. Các nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục học hỏi những nguyên tắc từ những công ty khởi nghiệp về cách gây ảnh hưởng tích cực cho nhãn hàng. Đây chính là những điều người tiêu dùng mong đợi và tìm kiếm.
Vexere.vn là một ví dụ. Đây là một startup thành lập với mục đích bán vé rẻ cho người có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt trong dịp Tết. Sau 4 năm thành lập, họ đã trở thành một trong những website bán vé xe lớn nhất Việt Nam cả về lượng khách hàng và phương tiện. Đây chính là ví dụ lớn cho việc nếu kinh doanh có mục đích tốt đẹp, nhãn hàng sẽ thành công và bền vững hơn.
Lời nói phải đi cùng hành động
Trong năm 2017, nhiều biến động chính trị thế giới, những nhân vật và tiếng nói có trọng lượng xuất hiện với cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, tạo ra những biến chuyển quan trọng.
Trong số những phong trào tích cực là #metoo: một sự kiện có tầm ảnh hưởng, một giây phút lắng đọng lại để nghe và thấu hiểu với mục đích cải thiện thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
Hay như Samsung Vietnam đã có một bước đi kịp thời là tài trợ thiết bị (kính thực tế ảo) và địa điểm tổ chức (S.Hub) cho phép người Việt Nam tham quan hang Sơn Đoòng khi chi phí du lịch đến địa điểm này khá đắt đỏ so với phần lớn người dân.
Vị chuyên gia hy vọng sẽ có nhiều hơn những hành động tương tự trong năm 2018, với các nhãn hàng, lãnh đạo và doanh nghiệp có nhiều động thái chứng minh sự cống hiến của họ cho đời sống, văn hóa, ngành nghề và doanh nghiệp. Chỉ nói không thôi là chưa đủ. Trong năm 2017, chúng ta đã làm tốt nhiệm vụ lắng nghe. Nhưng năm 2018, chúng ta phải hành động để đóng góp cho ngành nghề nói riêng và cả thế giới nói chung.
Cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và tối ưu hiệu suất tiếp thị
Khách hàng đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Các nhãn hàng cũng ngày càng tham vọng hơn. Họ muốn hiểu và đáp ứng những tâm tư, nhu cầu của người tiêu dùng để nâng cao hiệu quả của từng mẩu quảng cáo, giao diện website, các bài báo.. đối với từng đối tượng một cách phù hợp nhất.
97% doanh nghiệp Việt Nam là loại hình vừa và nhỏ. Xu hướng này rất quan trọng khi tối ưu hóa hiệu suất tiếp thị, đặc biệt đối với những thị trường chuyên biệt. Xu hướng này sẽ được áp dụng rộng rãi, không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn với nhiều tập đoàn lớn khác.
Hướng tới sự rõ ràng, minh bạch
Năm 2017 vẫn còn tồn đọng nhiều câu hỏi về chi phí truyền thông và tỷ suất hoàn vốn các nhãn hàng thực sự nhận lại được. Điều này khiến chúng tôi nhận ra tầm quan trọng trong việc minh bạch tài chính. Vì thế, trong năm 2018, cần chú trọng hơn trong quản lý hiệu suất và kiểm soát chi tiêu.
Viễn Thông
Theo vnexpress.net