5 sản phẩm, dịch vụ tưởng lỗi thời vẫn phổ biến ở Nhật

5 sản phẩm, dịch vụ tưởng lỗi thời vẫn phổ biến ở Nhật

26/07/2019 1313
Dân số già nhất nhì thế giới khiến nước Nhật "bảo lưu" nhiều thứ tưởng chừng như đã lỗi thời với hầu hết mọi người.

Nhật Bản được biết đến như một quốc gia công nghiệp đầy rẫy robot nhưng đồng thời cũng là một trong những nước có dân số già nhất thế giới. Vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi ở Nhật vẫn còn phổ biến nhiều thứ tưởng chừng như đã lỗi thời với hầu hết mọi người, theo Tech in Asia.

 

1. Đĩa CD

 

Nhiều người đã không còn mua đĩa CD từ cách đây gần một thập kỷ. Thay vào đó, họ nghe nhạc bằng các thiết bị kỹ thuật số phổ biến khác. Tuy nhiên ở Nhật Bản - thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới, xu hướng đó lại không quá được ưa chuộng.

 

85% doanh thu thị trường âm nhạc ở Nhật đến từ đĩa CD, The New York Times cho biết vào năm 2014. Mặc dù doanh thu từ đĩa CD đã suy giảm rõ rệt từ gần 1 tỷ USD vào năm 2009 xuống còn 400 triệu USD vào năm 2013, nhưng Nhật Bản vẫn là một quốc gia phát triển có quá trình chuyển đổi sang âm nhạc kỹ thuật số khá chậm chạp.

 

Nhiều năm sau khi đóng cửa tại nhiều quốc gia, chuỗi cửa hàng kinh doanh ấn phẩm âm nhạc Tower Records vẫn còn hoạt động tại Nhật. Có đến 85 cửa hàng trên toàn nước Nhật, doanh thu mỗi năm từ việc bán các ấn phẩm âm nhạc của Tower Records tại nước này lên đến 500 triệu USD.

 

Trong bối cảnh đó, dịch vụ âm nhạc trực tuyến Spotify vẫn chưa có mặt ở Nhật. Tuy nhiên dù Spotify có được ra mắt tại Nhật trong năm nay, điều đó cũng không có nghĩa là thời đại của CD sẽ bị đặt dấu chấm hết.

 

2. Báo giấy

 

3 thương hiệu báo giấy lớn nhất thế giới đều ở Nhật Bản. Dù dân số Nhật (khoảng 127 triệu người vào năm 2013) chưa là gì so với Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ nhưng mỗi tờ báo nói trên đều có lượng phát hành lớn hơn The Times Ấn Độ hoặc People’s Daily ở Trung Quốc.

 

Tổng số ấn bản của Yomiuri Shimbun - tờ báo hàng đầu ở Nhật - là khoảng 10 triệu bản, nhiều gấp 3 lần The Times Ấn Độ và gấp 4 lần The Wall Street Journal - tờ báo lớn nhất tại Mỹ.

 

Giống như đĩa CD, báo giấy ở Nhật cũng đang dần sụt giảm, nhưng sự phổ biến và tầm quan trọng của nó trong thời đại mà hầu hết mọi người đều đọc tin tức trên internet là rất đáng ngạc nhiên.

 

“88% người được khảo sát cho rằng, trong tương lai, báo giấy vẫn cần thiết cho việc thu thập thông tin và tiếp thu kiến thức. Đáng chú ý, 93% người được hỏi cho rằng học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nên đọc báo giấy. Số liệu này cho thấy trí thức Nhật xem báo giấy là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết về thế giới cho người trẻ”, theo thông tin trên tờ báo tiếng Anh Japan Times vào năm ngoái.

 

3. Máy fax

 

Ở Nhật Bản, máy fax vẫn chưa bị email thay thế hoàn toàn. Không những phổ biến ở nơi làm việc, nhiều ngôi nhà ở đất nước Mặt trời mọc vẫn còn nhu cầu sở hữu máy fax.

 

“Tính bình quân đầu người thì lượng sử dụng máy fax nhiều nhất tập trung ở Nhật Bản, đặc biệt là ở người lớn tuổi - những người vốn sớm làm quen với việc viết tay hơn gõ phím”, GS. Jonathan Coopersmith - tác giả cuốn Faxed: The Rise and Fall of the Fax Machine cho biết.

 

Máy fax chưa “chết” tại Nhật một phần do quốc gia này có dân số già. Phần lớn người đi làm đều đã quen thuộc với những công nghệ cũ như máy fax. Đồng thời trong văn hóa làm việc ở Nhật, những văn bản thường chỉ có giá trị chính thức dưới dạng tài liệu giấy chứ ít được công nhận qua email.

 

“Việc sử dụng máy fax đã giảm nhiều theo sự lớn mạnh của máy tính và điện thoại thông minh, nhưng những người trên 60 tuổi không quen với những công nghệ mới vẫn thích máy fax hơn”, Miyuki Nakayama - người phát ngôn của Sharp (thương hiệu vẫn còn bán máy fax tại Nhật) cho biết.

 

4. Dịch vụ cho thuê DVD

 

Ở Nhật vẫn còn tồn tại một loại dịch vụ mà có lẽ hầu hết mọi người trên thế giới đều đã ngưng sử dụng trong nhiều năm qua: cho thuê DVD. Có rất nhiều chuỗi cửa hàng cho thuê DVD lớn ở mọi thành phố hoặc thị trấn ở Nhật. Thương hiệu lớn nhất trong lĩnh vực này là Tsutaya (chuyên cho thuê cả DVD lẫn sách) vốn sở hữu hơn 1.600 cửa hàng rải rác khắp đất nước Mặt trời mọc.

 

Tsutaya có 45 cửa hàng ở Tokyo và vẫn phát triển mạnh dù thương hiệu đối thủ đến từ Mỹ là Blockbuster đã gia nhập thị trường. Ngoài việc cho thuê đĩa ngay tại cửa hàng và qua đường bưu điện, Công ty còn cung cấp dịch vụ streaming video (streaming: công nghệ cho phép người dùng cuối có thể nghe một bản nhạc, xem một bộ phim... ngay trong khi chúng đang được tải về máy tính).

 

Vào tháng 6/2015, khi chỉ còn vài tháng nữa dịch vụ xem video trực tuyến Netflix sẽ thâm nhập thị trường Nhật Bản, Tsutaya đã tuyên bố tài trợ cho những dự án phim mới nhằm tiến tới việc cung cấp những phim độc quyền thông qua DVD hoặc dịch vụ streaming của mình. Sự kiên định với lĩnh vực kinh doanh này của Tsutaya cho thấy thời đại của DVD chưa thể lụi tàn ở Nhật trong một sớm một chiều.

 

5. Điện thoại di động nắp gập

 

Điện thoại di động nắp gập được người Nhật sử dụng phổ biến đến mức đáng ngạc nhiên. Trước thời đại của iPhone, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ sử dụng điện thoại để gọi điện và nhắn tin thì người Nhật đã thực hiện thanh toán trực tuyến và nhiều thao tác khác trên điện thoại của họ.

 

Hiện tại, một bộ phận người Nhật vẫn thích gắn bó với điện thoại nắp gập, mặc dù chúng không chứa những ứng dụng phổ biến như trên điện thoại chạy hệ điều hành Android hay iOS. Tuy nhiên, dường như họ đang dần trở thành những trường hợp cá biệt trong bối cảnh phần lớn doanh thu thị trường điện thoại di động đến từ điện thoại thông minh. Sau một khởi đầu chậm chạp, dòng sản phẩm iPhone của Apple đã dẫn đầu thị trường Nhật Bản.

 

Số liệu từ IDC cho thấy có 27,5 triệu điện thoại thông minh được bán ra tại Nhật vào năm 2015, trong khi đó, con số này đối với điện thoại cơ bản (trong đó có điện thoại nắp gập) chỉ là 6,9 triệu chiếc. Nghĩa là, điện thoại kiểu cũ vẫn chiếm 20% thị trường. Đây vẫn là con số không nhỏ đối với một thị trường phát triển như Nhật.

 

Trong năm 2016, số liệu từ EMarketer cũng cho thấy, điện thoại thông minh sẽ lần đầu tiên chiếm hơn 50% thị phần điện thoại di động Nhật Bản.

 

Theo doanhnhansaigon.vn