Đa số doanh nghiệp Việt chi dưới 10 triệu mỗi tháng để quảng bá online

Đa số doanh nghiệp Việt chi dưới 10 triệu mỗi tháng để quảng bá online

19/03/2018 1832
Kết quả một cuộc khảo sát vài nghìn doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, trong năm ngoái, hơn một nửa công ty dành dưới 10 triệu đồng cho quảng bá trang web và ứng dụng di động.

Trong sự kiện "Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018" tại Hà Nội hôm 14/3, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát về hoạt động thương mại điện tử trong doanh nghiệp năm 2017. Kết quả khảo sát cho thấy, trong năm 2017, hình thức quảng cáo mà doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất là mạng xã hội (chiếm 43%). Quảng cáo thông qua các công cụ tìm kiếm như Google, Bing chiếm 31% và giảm mạnh so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp thị liên kết tăng mạnh trong năm 2017.

 

Song điều bất ngờ là hơn một nửa doanh nghiệp (56%) chi dưới 10 triệu đồng cho quảng cáo website hoặc ứng dụng di động trên các phương tiện trực tuyến. Đây là con số khá thấp so với giới doanh nghiệp ở Đông Nam Á. 36% doanh nghiệp chi từ 10 tới 50 triệu đồng/tháng và chỉ 8% doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng/tháng cho quảng cáo trang web hoặc ứng dụng di động.

 

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp chi cho quảng cáo trực tuyến trên 50 triệu đồng lớn nhất. Tỷ lệ của Hà Nội là 14%, còn của TP Hồ Chí Minh là 12%.

 

Mạng xã hội và công cụ tìm kiếm là hai hình thức quảng cáo mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, với tỷ lệ tương ứng là 46% và 39%.

 

Hiệu quả về doanh thu từ quảng cáo trên mạng xã hội trong hai năm gần đây không đổi, song hiệu quả quảng cáo từ các công cụ có xu hướng giảm.

 

"Quả thực, trong năm ngoái tôi đã ngừng quảng cáo trên Google, chỉ tập trung vào mạng xã hội Facebook", ông Phạm Ngọc Hưng, giám đốc công ty nội thất Kithome, tiết lộ.

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cùng các doanh nhân, chuyên gia tọa đàm trong diễn dàn "Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018" ở Hà Nội hôm 14/3. Ảnh: Nhạc Dương

 

Báo cáo cho thấy, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam năm 2017 ước tính tăng 25% so với năm trước. Riêng với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Với lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%.

 

Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 - 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.

 

Cũng theo báo cáo EBI 2018, trong khi TMĐT trên phạm vi cả nước tiếp tục phát triển nhanh chóng thì chỉ số năm nay cho thấy TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục giữ vai trò tiên phong. Tuy nhiên, 2 thành phố lớn này đã bỏ xa tất cả các địa phương còn lại. Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong báo cáo EBI 2018, gồm 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc (Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La), 4 tỉnh miền Tây Nam Bộ (Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng). Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia .vn thấp, trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền.

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng nhận định việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Theo ông, trong thời gian tới, chính phủ cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò dẫn dắt về thương mại điện tử của hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước.

 

Nhạc Dương

Nguồn Kinh tế & Tiêu dùng

Theo vietnambiz.vn