Tham luận của VAA  tại Tọa đàm về Luật Quảng cáo của UBVHGD Quốc hội

Tham luận của VAA tại Tọa đàm về Luật Quảng cáo của UBVHGD Quốc hội

12/09/2024 122
Ngày 10/9/2024 Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức buổi toạ đàm nhằm tham vấn các chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý nội dung sửa đổi Luật Quảng cáo. Tại cuộc toạ đàm, Chủ tịch Nguyễn Trường Sơn đã thay mặt HHQCVN có bài tham luận phản ánh đầy đủ, toàn diện những ý kiến của hội viên và các doanh nghiệp đóng góp cho Luật Quảng cáo. Kết luận cuộc toạ đàm, ông Triệu Thế Hùng, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm UBVHGD, chủ trì cuộc toạ đàm đã ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp rất xác đáng, thiết thực của các đại biểu, đặc biệt là của HHQCVN để tổng hợp báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét vào kỳ họp tháng 9 này. Sau đây là toàn văn Tham luận của HHQCVN.
  • Đề nghị xây dựng Luật Quảng cáo sửa đổi

 

QUÁN TRIỆT SÂU SẮC CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH,

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ XÂY DỰNG

LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT QUẢNG CÁO

 

(Tham luận của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tại buổi Tọa đàm về việc thực hiện chính sách pháp luật về quảng cáo do UBVHGD Quốc Hội tổ chức

ngày 10/9/2024)

 

 

      Thưa quý vị Đại biểu!

        Trên thế giới, lịch sử quảng cáo đã có hàng trăm năm. Nó được coi là “Ngành công nghiệp trắng” khi mang lại những đóng góp khổng lồ cho nền kinh tế quốc gia. Số liệu của Statista – công ty nghiên cứu thị trường nổi tiếng của Đức- cho biết, tổng doanh thu ngành quảng cáo thế giới năm 2022 đạt hơn 910 tỷ USD; của Việt Nam doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN. Năm 2023 dự kiến sẽ đạt 2.444 triệu USD.

        Nhìn lại chặng đường khởi đầu từ những quảng cáo tự phát nhỏ lẻ vào những năm1990 đến nay thì quảng cáo Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một ngành nghề chính thức, có quy mô rộng lớn với đủ các loại hình quảng cáo từ truyền thống đến hiện đại, tạo ra sự lan tỏa rộng khắp toàn xã hội trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, cũng như thể hiện vai trò cầu nối giữa sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hàng hóa phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế. gắn kết tất cả các lĩnh vực trong xã hội, là đòn bẩy cho sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam và đã trở thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng trong các ngành công nghiệp văn hóa như Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 09 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ xác nhận.

        Có được sự phát triển này phải kể đến sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành quảng cáo. Từ Nghị định 194-CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ “Về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ VN”, Pháp lệnh Quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH10 ngày 16 tháng 11 năm 2001 của UB Thường vụ Quốc hội đến Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 do Quốc hội Khóa 13 ban hành từng bước đã tạo hành lang pháp lý quan trọng ngày càng thuận lợi cho hoạt động quảng cáo.      

        Với Luật Quảng cáo 2012, các quy định về nội dung, hình thức, điều kiện quảng cáo; thủ tục hành chính, công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời được hướng dẫn cụ thể; các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ trong sản xuất kinh doanh quảng cáo; tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo được quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, tạo cơ hội để phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý; vai trò, hiệu lực quản lý của  các cơ quan nhà nước được nâng cao, một số thủ tục được gỡ bỏ tạo thuận lợi hơn cho người làm quảng cáo...đưa hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước. 

        Qua hơn 10 năm triển khai, Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn với nhiều mặt tích cực đã thu được những kết quả nhất định nhưng thực tế trước sự phát triển vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta với nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước  được triển khai nhưng hoạt động quảng cáo không bắt kịp. Theo đó, Luật Quảng cáo đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập  thể hiện ở những văn bản quản lý còn chồng chéo, thiếu đồng nhất, không được chỉnh sửa kịp thời; nhiều loại hình quảng cáo mới xuất hiện không được bổ sung, hướng dẫn đầy đủ; thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo chậm được cải cách, vẫn nặng tính xin-cho; quy hoạch quảng cáo nhiều tỉnh, thành chưa được hoàn chỉnh, chất lượng không cao, khó áp dụng; phương thức quản lý  chưa bắt kịp với thời đại kỹ thuật số v.v...đã phần nào làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và của nền kinh tế cả nước nói chung. Do vậy, việc Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch (Bộ VHTTDL) đề xuất, được Chính phủ  nhất trí trình Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo 2012 là hoàn toàn hợp lý, vửa sát hợp với tình hình thực tế vừa đáp ứng nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

        Trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo (gọi tắt là Luật SĐBS), Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (Hiệp hội) được biết Bộ VHTTDL - Cơ quan chủ trì soạn thảo - đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý vào việc xây dựng hồ sơ Dự án Luật SĐBS mà trọng tâm là Dự thảo Luật SĐBS. Qua mỗi cuộc, Cơ quan chủ trì soạn thảo đều có sự tiếp thu ý kiến đóng góp để chỉnh sửa Dự thảo và đến nay đã được Chính phủ xem xét, thông qua hồ sơ xây dựng Dự án Luật SĐBS gửi trình Quốc hội xem xét quyết định.

        Tại Hội thảo này, theo đề nghị của Viện Nghiên cứu lập pháp, sau khi nghiên cứu các tài liệu có liên quan của Dự án Luật SĐBS và những ý kiến tổng hợp được qua các cuộc hội thảo với các thành viên, hội viên, doanh nghiệp quảng cáo trong cả nước, kết hợp tham khảo thêm ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề khác, Hiệp hội xin có một số điểm đóng góp vào bản Dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo (Dự thảo) do Chính phủ trình Quốc hội với những nội dung sau đây.

  1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
  2. Về cơ sở chính trị pháp lý

        Tại Tờ trình, Chính phủ đã đưa ra đầy đủ cơ sở pháp lý chính trị cho thấy các quan điểm, đuờng lối, chủ truơng, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa đều  hướng tới việc “Khấn trương triến khai có trọng tâm, trọng điếm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới” như văn kiện Đại hội XIII đề ra. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi Đảng, Nhà nước để phát triển đồng bộ trong công cuộc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa trong đó có ngành quảng cáo. Từ đó, việc Chính phủ đề xuất xây dựng  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đuờng lối, chủ truơng, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng công nghiệp văn hóa nói chung và quảng cáo nói riêng, tạo được sự ổn định và mang tính chất lâu dài của Luật là rất cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.

        Để đường lối, chính sách được quán triệt sâu hơn, trong nội dung Dự thảo nên thể hiện rõ hơn, gắn kết hơn với những vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm như phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số trong lĩnh vực quảng cáo; đổi mới phương thức quản lý, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính… 

  1. Về cơ sở thực tiễn:

        Sau hơn 10 năm triến khai thi hành Luật Quảng cáo, đúng như Chính phủ nhận định, hoạt động quảng cáo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có sự phát triển mạnh mẽ không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng cũng như doanh thu của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này mà còn đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với vai trò cầu nối giữa người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phân tích khá đầy đủ một số hạn chế, bất cập mà Luật Quảng cáo đã bộc lộ trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân chủ yếu là không theo kịp với sự phát triển quá nhanh của nền kinh tế nước ta, trước sự đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, Dự thảo đã có những đề xuất SĐBS về hình thức, nội dung, phương tiện quảng cáo; về thủ tục hành chính, về phương thức quản lý quảng cáo v.v... cho sát hợp với điều kiện thực tế nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thế tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo như mục tiêu đề ra.

        Tuy nhiên, Dự thảo nên nghiên cứu thể hiện rõ hơn những vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số; thể hiện sự mạnh dạn, đổi mới, đột phá hơn nữa trong công tác quản lý, điều hành hoạt động quảng cáo và có sự định đoán tương lai để đảm bảo tính khả thi, ổn định tương đối lâu dài của Luật khi được ban hành.

  1. NHỮNG GÓP Ý CHUNG VỚI DỰ THẢO LUẬT SĐBS
  2. Những điểm tích cực của Dự thảo

        Trên cơ sở phân tích, đánh giá được những mặt tích cực cũng như những mặt hạn chế, bất cập của Luật Quảng cáo 2012 cùng với việc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, Hiệp hội nhận thấy Dự thảo đã đề xuất SĐBS được nhiều điểm mới, sát hợp với tình hình như:

        - Đã có sự phân công cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2, Điều 1);

        - Đã bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4, Điều 1); quy định về quảng cáo trên mạng (khoản 11, Điều 1)...là những vấn đề nhạy cảm, đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

        - Có sự điều chỉnh, bổ sung về nội dung, điều kiện quảng cáo  sát  hợp với thực tế hơn (khoản 6, khoản 12 Điều 1).

        - Có độ mở thoáng hơn về thời gian, thời lượng, quãng ngắt cho quảng cáo trên lĩnh vực báo chí (khoản 9, khoản 10 Điều 1) hoặc tăng diện tích, gắn rõ trách nhiệm cho chủ sở hữu, biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích 20 mét vuông (m2) đến 40 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn (khoản 13; điểm b, khoản 15, Điều 1)...đã tạo thêm cơ hội cho các đơn vị tăng thêm nguồn thu trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản xuất, kinh doanh.

        - Dự thảo đã có sự quan tâm, chú ý đến việc cải cách thủ tục hành chính qua việc giảm bớt giấy tờ nộp hồ sơ; giảm bớt thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ; có thể  nộp hồ sơ qua môi trường điện tử... cũng tạo thuận lợi hơn cho các loại hình quảng cáo được quy dịnh phải xin cấp phép hoặc xác nhận nội dung.

        - Việc xây dựng quy hoạch quảng cáo đã được Dự thảo SĐBS theo hướng quy hoạch mở, thống nhất với quy hoạch chung và có quy trình cụ thể, công khai, minh bạch (khoản 17, 18 Điều 1) đã tháo gỡ được một số vướng mắc lâu nay khó giải quyết cho doanh nghiệp lẫn địa phương.

  1. Những điểm còn hạn chế của Dự thảo

        - Trong Dự thảo, việc xác định vai trò của quảng cáo trong ngành công nghiệp văn hóa, trong việc xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số thể hiện còn chưa được rõ nét.

        - Một số loại hình, phương tiện quảng cáo mới đang có xu hướng phát triển phát triển nhưng chưa được đề cập như: Màn hình 3D, màn hình tương tác, Tech Digital Signage, mô hình nổi  gắn với thương hiệu sản phẩm, Quảng cáo Video trên nền tảng mạng xã hội; Video phát trực tiếp (Likestream); Video dạng ngắn (Short-form video); Quảng cáo xoay vòng (Carousel ads); Quảng cáo có tính Viral: Hình ảnh thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, v.v…;

       - Một số sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hành vi cấm quảng cáo như việc quảng cáo bia, rượu (theo Luật Phòng chống rượu, bia); quảng cáo vũ khí, vật liệu nổ (theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ); quảng cáo hóa chất (theo Luật Hóa chất)... chưa được cập nhật đầy đủ.

        - Thủ tục hành chính với các loại hình quảng cáo vẫn còn những điểm chưa chưa được nhất quán, thông thoát.

        - Hạn chế những điều nói chung chung như “Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật”, “và các hình thức tương tự khác”... làm khó khăn khi triển khai vào thực tế.

        Những góp ý SĐBS cụ thể với Dự thảo xin được đề xuất tại mục III sau đây.

        III.  NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ VỚI NỘI DUNG DỰ THẢO

  1. Về khoản 1, Điều 1: Đề nghị Dự thảo nghiên cứu SĐBS vào Luật một số khái niệm:

        Nội dung điểm a Dự thảo muốn nói đến các cá nhân tham gia chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Do vậy, để sát hợp với nội dung và nhất quán với khái niệm về Người quảng cáo, Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, Người phát hành quảng cáo đều là tổ chức, cá nhân nên sửa đổi điểm này cho rõ “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là các cá nhân trực tiếp đưa các sản phẩm quảng cáo...các hình thức tương tự”.

  1. b) Đề nghị bổ sung thêm khái niệm về “Hoạt động quảng cáo là...” để gắn với các quy định cho các đối tượng tại Luật.
  2. c) Bổ sung khái niệm “hoạt động quảng cáo trên mạng” như sau:
  3. d) Bổ sung khái niệm “hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam” đã được quy định tại Nghị định số 70/2021/NĐ-CP.
  4. Về khoản 2, Điều 1: “Sửa đổi, bổ sung Điều 5 Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo” đề nghị:
  5. a) Tại điểm 1: Để khẳng định vai trò của quảng cáo trong nền kinh tế nói chung và trong các ngành công nghiệp văn hóa, đề nghị SĐBS nội dung “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo” thành “Quảng cáo là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng do Chính phủ thống nhất quản lý”.
  6. b) Tại điểm 2: Đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ VHTTDL theo QĐ 1755/TTg của Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với thời đại công nghiệp số.
  7. c) Quảng cáo ngoài trời (OOH) là một hình thức quảng cáo quan trọng, phần lớn liên quan đến hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Vì vậy, để nghị Dự thảo nên bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể của Bộ Xây dựng trong việc chỉ đạo xây dựng quy hoạch quảng cáo, hướng dẫn cấp phép xây dựng bảng quảng cáo, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về quảng cáo ngoài trời...
  8. d) Về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, đề nghị nghiên cứu SĐBS:

        - Điểm b, nội dung “Chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật này về việc thông báo sản phẩm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo” đề nghị BSSĐ thành “Chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật này về việc thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các phương tiện quảng cáo yêu cầu phải thông báo sản phẩm quảng cáo” để tránh việc kiểm tra cả những phương tiện không yêu cầu phải thông báo sản phẩm.

        - Điểm d, nội dung “Tổ chức xây dựng, điều chỉnh, phê duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu giá vị trí quảng cáo trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời  tại địa phương theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản” đề nghị BSSĐ thành “Tổ chức xây dựng, điều chỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn; chỉ đạo, tổ chức thực hiện đấu giá vị trí quảng cáo trên đất công, tài sản công nằm trong quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản để tránh đấu giá cả những vị trí thuộc quyền quản lý của các tổ chức, cá nhân.

  1. Về khoản 3, Điều 1:
  2. a) Dự thảo đề xuất Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 với nội dung giao cho Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo “Xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo; xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về quảng cáo.”. Điều này thể hiện việc quan tâm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo Nghị định 45/NĐ-CP về tổ chức hội thì các hội nghề nghiệp có thể được phép lập từ cấp phường, xã, quận, huyện, tỉnh, thành đến trung ương. Riêng ngành truyền thông quảng cáo hiện nay cũng có khoảng trên 100 hội lớn nhỏ từ trung ương đến quận huyện. Vậy tất cả các cấp hội này có quyền như quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 10 không? Cấp hội nào được thực hiện? Cơ quan thẩm quyền nào ra quyết định giao nhiệm vụ?  Hiệu lực của bộ quy tắc ứng xử, của tiêu chuẩn cơ sở quảng cáo thế nào? Đó là chưa kể tiêu chuẩn cơ sở quảng cáo cũng là một trong những loại tiêu chuẩn phải chịu sự điều chỉnh của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đề nghị Dự thảo quy định rõ hơn về những vấn đề này.
  3. b) Nhân việc SĐBS Điều 10, để nâng cao vai trò, trách nhiệm xã hội của hội nghề nghiệp, Hiệp hội đề nghị Dự thảo SĐBS khoản g, Điều 10 thành “Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền phổ biến pháp luật về quảng cáo; phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.”
  4. Về khoản 4, Điều 1: Bổ sung Điều 15a về “ Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”

        - Toàn bộ nội dung điều này chỉ là quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Đề nghị bổ sung cho rõ quyền của họ.

        - Đề nghị xem xét lại quy định tại điểm 1, Điều 15a yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải “Cung cấp tài liệu liên quan đến doanh thu...” là ảnh hưởng đến bí mật kinh doanh của cơ sở, không công khai được. Do vậy, chỉ cần bổ sung yêu cầu người chuyển tải sản phẩm hàng hóa phải có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ khi tham gia quảng cáo là được.

  1. Về khoản 7, Điều 1: Bổ sung Điều 19a “Yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt”.

        Thực chất nội dung cơ bản Điều 19a này được điều chuyển từ Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ khi Luật Quảng cáo hiện hành giao Chỉnh phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 2 Điều 19) và cũng giao Chính phủ quy định điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khỉ có phát sinh trên thực tế...(khoản 5 Điều 20). Trong quá trình triển khai, Chính phủ đã có những điều chỉnh kịp thời khi các bộ, ngành có đề xuất SĐBS về yêu cầu nội dung, điều kiện quảng cáo  đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mới phát sinh, không phải đợi Luật. Nay Dự thảo đưa những nội dung này thành Luật sẽ khó cho việc điều chỉnh linh hoạt, kịp thời đối với những sản phẩm, hàng hóa đặc biệt vốn mang tính kỹ thuật, chuyên ngành dễ phát sinh và luôn biến động theo từng thời kỳ. Do vậy, Hiệp hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc:

        - Bỏ bổ sung Điều 19a tại Dự thảo, giữ nguyên như quy định hiện hành là giao Chính phủ quy định nội dung nhưng khộng yêu cầu phải xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời khi có sự thay đổi trên thực tế.

        - Cập nhật, bổ sung thêm những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được quy định tại những Luật chuyên ngành khác như về Luật Hóa chất;  Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

  1. Về khoản 11, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung Điều 23. Quảng cáo trên mạng

        - Điểm a, khoản 5, Điều 23, đề nghị quy định cụ thể nội dung Thông báo thông tin đầu mối liên hệ.

        - Về hình thức và thời gian thông báo, đề nghị  thống nhất về cách thức thực hiện quy trình, thủ tục hành chính bằng phương thức “ Gửi hồ sơ qua Cổng dịch vụ công hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến...” để khuyến khích cơ sở sử dụng phương tiện điện tử trong giao dịch, hạn chế giao dịch trực tiếp làm mất thời gian đi lại, dễ nảy sinh tiêu cực.

  1. Về khoản 14, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 của Điều 30 “Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn
  2. a) Dự thảo đã có sự giảm bớt một số giấy tờ không cần thiết nhưng với những 7 loại giấy tờ còn lại phải nộp tại hồ sơ chỉ phù hợp với những doanh nghiệp, hàng hóa lần đầu nộp thông báo. Đối với những doanh nghiệp làm quảng cáo chuyên nghiệp, những hàng hóa đã thành thương hiệu phổ biến thì việc phải nộp Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ (khoản 3, Điều 29); văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo; quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn (khoản 6, Điều 29); Bản sao Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 8 Điều 29) là không cần thiết vừa tốn kém giấy tờ cho doanh nghiệp, vừa tốn diện tích lưu trữ của cơ quan quản lý. Hoặc trường hợp quảng cáo cho sự kiện, chính sách xã hội phải có Bản sao văn bản về việc tổ chức sự kiện của đơn vị tổ chức (khoản 4, Điều 29) cũng vậy, trong văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo đã yêu cầu ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn (Khoản 1, Điều 29) là có đủ thông tin rồi.  Do vậy, để công tác chuyển đổi số được phát huy tác dụng, Hiệp hội đề nghị:

        - Dự thảo SĐBS bỏ khoản 4, chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp lần đầu các loại giấy tờ tại khoản 3, khoản 6, khoản 8.  Cơ quan tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu để cập nhật, lưu trữ, khai thác thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa để sư dụng trong việc xem xét, kiểm tra việc thực hiện thông báo sản phẩm của doanh nghiệp.

        - Đề nghị  thống nhất về cách thức thực hiện quy trình, thủ tục hành chính bằng phương thức “ Phải gửi hồ sơ qua Cổng dịch vụ công hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp đến...”  như đã đề xuất tại điểm 6, Mục III ở trên.

  1. b) Nhân nói về Điều 30 Luật Quảng cáo, tại khoản 2 quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Nếu hiểu chính xác thì cơ quan quản lý không cần có văn bản chấp thuận, trừ khi không đồng ý; doanh nghiệp nếu trong 05 ngày làm việc không nhận được văn bản trả lời không đồng ý của cơ quan quản lý thì doanh nghiệp được phép thực hiện nhưng nhiều năm nay quy định này lại gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

        Trên thực tế, thủ tục tiếp nhận hồ sơ vẫn khó khăn, nặng tính xin-cho. Việc này, xét cho kỹ, cả hai phía từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý đều đang có nhận thức và thực hiện chưa chuẩn xác về quy định của khoản 2, Điều 30 Luật Quảng cáo. Lâu nay các cơ quan quản lý ở tất cả các địa phương đều coi việc cấp Giấy chấp thuận quảng cáo cho doanh nghiệp là việc đương nhiên, còn các doanh nghiệp cứ phải thấp thỏm chờ đợi hoặc chạy vạy để có được Giấy chấp thuận của cơ quan quản lý tại địa phương rồi mới dám thực hiện quảng cáo. Điều đáng nói ở đây là thời hạn cho quảng cáo trong Giấy chấp thuận của các địa phương không theo một quy định nào, nơi cho 3 tháng, 6 tháng, dài nhất cũng chỉ 1 năm dù nội dung, hình thức quảng cáo không thay đổi. Thậm chí có địa phương dừng tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo tới vài ba năm không có lý do thuyết phục làm ảnh hưởng nhiểu đến kế hoạch sản xuất, thời gian, tổn thất của các doanh nghiệp. Do vậy, rất cần có sự thay đổi, điều chỉnh khoản 2, Điều 30 này để gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

        Nghiên cứu Dự thảo SĐBS lần này cho thấy Dự thảo có khá nhiều điểm cải tiến về phương thức quản lý khi cho quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trên phương tiện báo chí, trên phương tiện giao thông, loa phóng thanh, hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo đến cả quảng cáo màn hình LED ngoài trời đang có xu hướng phát triển mạnh và thu hút khách hàng với sự thay đổi mẫu quảng cáo từng giây đều không phải gửi thông báo sản phẩm quảng cáo cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện. Tất cả đều được quy định chặt chẽ theo các điều kiện quảng cáo và phát huy tinh thần tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng với tăng cường công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nên sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, nhân lực và tiền bạc cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Trong khi đó những bảng quảng cáo bằng pano cố định với những sản phẩm quảng cáo tĩnh, tồn tại hàng tháng, khó qua khỏi con mắt giám sát của công chúng và có thể nói cũng là hình thức quảng cáo dễ kiểm soát nhất thì lại phải gửi Thông báo sản phẩm cho cơ quan quản lý trước khi thực hiện quảng cáo. Điều này tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa các loại hình quảng cáo trong cùng một văn bản luật. Hiệp hội đề nghị Cơ quan soạn thào giải thích cho rõ hơn về lý do tiếp tục duy trì khoản 2, Điều 30 này.

        Xuất phát từ tính bình đẳng giữa các loại hình và để thực sự quán triệt tinh thần của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024 là “ Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, cương quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho", Hiệp hội xin đề xuất BSSĐ Điều 30 theo phương án như sau:

        - Phương án 1. Bãi bỏ thủ tục phải thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn. Cơ quan quản lý tăng cường công tác hậu kiểm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm như các phương tiện quảng cáo khác để đảm bảo tính bình đẳng. Phương án này thời gian đầu chắc chắn sẽ khó khăn cho cơ quan quản lý hơn nhưng xét toàn diện thì đây là một phương án đột phá mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính, là cơ hội để các cơ quan quản lý đổi mới, cải tiến nâng cao năng lực quản lý và đặc biệt là loại bỏ được cơ chế xin - cho là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.

        - Phương án 2. Nếu có cơ sở thuyết phục cho việc tiếp tục duy trì hình thức thông báo sản phẩm quảng cáo thì SĐBS theo hướng:

        - Đơn giản hóa, số hóa việc nộp hồ sơ Thông báo sản phẩm như đề xuất tại điểm 7, mục III trên đây. Nội dung, thời gian, thời hạn, địa điểm quảng cáo do doanh nghiệp đề xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp.

        - Cơ quan quản lý chỉ tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của doanh nghiệp chủ yếu qua cổng dịch vụ công. Mã xác nhận Doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trên cổng dịch vụ công là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Cơ quan quản lý không cần phải thực hiện thủ tục cấp giấy xác nhận cho doanh nghiệp, trừ khi phát hiện có vấn đề vi phạm quy định thì ra văn bản trả lời không đồng ý. Thực hiện được điều này vừa đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp, vừa giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý mà vẫn có thông tin để quản lý.

        - Doanh nghiệp sau 05 ngày nộp hồ sơ nếu không nhận được văn bản không đồng ý của cư quan quản lý thì tự động thực hiện nội dung trong thông báo và

        Từ đấy, Hiệp hội đề nghị SĐBS khoản 2, Điều 30 Luật Quảng cáo như sau

        “2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, nếu cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo không có văn bản trả lời không đồng ý và nêu đầy đủ lý do một lần để người làm quảng cáo sửa đổi, bổ sung nộp lại thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo và  chịu trách nhiệm về nội dung như đã thông báo.”.

  1. c) Đề nghị sửa đổi tiêu đề Điều 30 thành “
  2. Về khoản 15, Điều 1: SĐBS một số điểm, khoản của Điều 31 (Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo)

        Màn hình chuyên quảng cáo cũng có kết cấu tương tự như các bảng quảng cáo không nên phân biệt khi xin phép xây dựng. Do vậy, Hiệp hội đề nghị DT cho SĐBS một số điểm khoản của Điều 31 như sau:

  1. a) SĐBS điểm a khoản 2 Điều 31 “ Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên” mới phai xin phép xây dựng như đối với bảng quảng cáo cùng diện tích.
  2. b) SĐBS điểm b khoản 2 thêm ý “ Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo, màn hình chuyên quảng cáo có diện tích một mặt trên 40 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn”.
  3. c) SĐBS vào khoản 5 cụm từ “Màn hình chuyên quảng cáo” thành “Chủ sở hữu biển hiệu, bảng quảng cáo, màn hình chuyên quảng cáo có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) đến 40 mét vuông kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình có sẵn...”
  4. Về khoản 16, Điều 1: “Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 36”

        Đề nghị Dự thảo nghiên cứu SĐBS hồ sơ, thủ tục hành chính của  Điều này như đề xuất của Hiệp hội đối với các hình thức quảng cáo ngoài trời đã nêu tại điểm 6, điểm 7 ở trên.

  1. Về khoản 17, Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 37 (Nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời).

        - Đề nghị Dự thảo bổ sung thêm từ “số hóa” vào Điểm c khoản 2  thành “ Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ số hóa hiện đại...”.

        - Đề nghị Dự thảo diễn đạt rõ ý hơn nội dung điểm 2a bổ sung” Đất đã được phê duyệt cho vị trí quảng cáo ngoài trời được sử dụng cho mục đích quảng cáo theo quy định của pháp luật về đất đai.”

  1. Về khoản 18 Điều 1: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 38

        Đề nghị Dự thảo SĐBS điểm a khoản 1 thành “Tổ chức xây dựng, điều chỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn...” cho nhất quán về trách nhiệm của UBND được quy định tại điểm 6 Dự thảo SĐBS.

  1. Về Điều 2: “Bãi bỏ, thay thế một số cụm từ, điểm, khoản của Luật Quảng cáo”

        Hiệp hội đề nghị Dự thảo nghiên cứu bổ sung bãi bỏ khoản 1 Điều 40. “Hợp tác, đầu tư vói nước ngoài trong hoạt dộng quâng cáo” vì qua hơn 10 năm áp dụng quy dịnh này đã đã không còn thực sự bảo vệ được cho ngành quảng cáo trong nước, không còn phù hợp với thực tiễn hiện nay khi  Việt Nam đã là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ký kết Hiệp định EVFTA,  Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ...thì doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài được quyền kinh doanh dịch vụ quảng cáo mà không bắt buộc phải liên doanh hay góp vốn chung với các tổ chức, cá nhân khác.  Nếu tiếp tục duy trì quy định này sẽ làm ành hường và cản trờ hoạt động đầu tư, kinh doanh của các thương nhân và doanh nghiệp ớ các quốc gia Hiệp hội, Hiệp ước khác có liên quan mà Việt Nam đã ký kết thỏa thuận và cũng làm phát sinh thêm thủ tục thông báo thông tin của người kinh doanh dịch vụ quàng cáo tại Việt Nam, chưa kể, quy định này còn lảm gia tăng họat dộng đầu tư mượn danh đề tránh các hạn chế của pháp luât đối với nhà dầu tư nước ngoài, đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành quàng cáo.

  1. GÓP Ý SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT QUẢNG CÁO 2012

        Bên cạnh việc Cơ quan soạn thảo đưa ra Dự thào sửa đổi, bổ sung 15 điều (Điều 2, 5, 10, 19, 20, 21, 22, 23, 28, 29, 30, 31, 36, 37, 38); bổ sung mới thêm 02 điều (Điều 15a, 19a) và 03 khoản (khoản la vào Điều 18; khoản 15 vào Điều 2; khoản 5 vào Điều 31) của Luật Quảng cáo, Hiệp hội cũng như một số đơn vị nhận thấy còn một số điều tại Luật quảng cáo rất cần được BSSĐ cho hoàn chỉnh hơn nhưng chưa được đưa vào Dự thảo hoặc chưa được Cơ quan soạn thảo giải thích đầy đủ. Do vậy Hiệp hội xin được tổng hợp và đề xuất Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, SĐBS thêm một số điều của Luật Quảng cáo như sau: .

  1. Điều 7: Đề nghị cập nhật, bổ sung thêm một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo theo Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ (mới ban hành); Luật Hóa chất (đang sửa đổi, bổ sung)...
  2. Điều 8. Hành vi cấm quảng cáo:

        - Đề nghị SĐBS khoản 16 thành: “Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông nơi công cộng trái với quy chế, quy hoạch quảng cáo của địa phương”.

        Lý do: Nhiều tỉnh, TP đã cho phép thực hiện theo quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô thị và thể hiện tính thống nhất trong toàn quốc.

        - Đề nghị cụ thể hóa trong Luật hoặc văn bản hướng dẫn các khái niệm, từ ngữ mang tính chất định tính, dễ gây ra cách hiểu khác nhau.

  1. Điều 17. Phương tiện quảng cáo

        - Đề nghị bổ sung thêm về các hình thức, phương tiện quảng cáo mới như quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo số, quảng cáo ứng dụng công nghệ thông tin, vật thể quảng cáo trên không, mô hình nổi  gắn với thương hiệu sản phẩm v..v…

        - Đề nghị bổ sung quy định (hoặc dẫn chiếu Luật Điện ảnh) về hình thức quảng cáo phim điện ảnh; quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim điện ảnh.

  1. Điều 27. Đề nghị sửa tên Điều này thành “Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn ngoài trời” để phân biệt với những bảng, băng – rôn đặt trong nhà, trong nội bộ các doanh nghiệp không phải thông báo sản phẩm quảng cáo.
  2. Điều 32. Quảng cáo trên phương tiện giao thông

        - Khoản 2, đề nghị sửa đổi, bổ sung là: “Phương tiện giao thông được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở hai mặt bên và mặt sau của phương tiện...”

        Lý do: Đề phát huy tính sáng tạo của nghề quảng cáo và tạo thêm điều kiện cho các nhà quảng cáo mở rộng hoạt động, thu hút khách hàng.

        - Ngoài ra, đề nghị ngiên cứu cho các loại hình giao thông  như tầu hỏa, tàu thủy, máy bay được quảng cáo thế nào? Không thể coi các phương tiện này tương tự như phương tiện ô-tô, xe máy...

  1. Điều 33 “Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự”

        - Khoản 1, điểm a, đề nghị SĐBS: Quy định cụ thể khung giờ, độ ồn được phép khi quảng cáo bằng loa phóng thanh.

  1. Điều 34. Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh

        - Khoản 1: Đề nghị SĐBS làm rõ nội dung biển hiệu với bảng quảng cáo để tránh tình trạng biển hiệu trá hình quảng cáo, không phải xin thông báo sản phẩm như tình trạng hiện nay.

        - Khoản 3: Đề nghị không nên quy định kích thước biển hiệu chỉ được cao không quá 02 m2 mà nên để địa phương quy hoạch theo từng khu vực cho phù hợp với không gian, cảnh quan, môi trường.

        Trên đây là những góp ý, đề xuất của Hiệp hội vào việc SĐBS Luật Quảng cáo. Hiệp hội rất mong quý Cơ quan soạn thảo, cơ quan quản lý, tham mưu của Chính phủ, Quốc hội tham khảo, cân nhắc chỉnh sửa. Trong quá trình xây dựng Luật SĐBS tới đây, Hiệp hội sẽ tiếp tục thu thập thêm ý kiến của hội viên, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan và sẽ kịp thời báo cáo với các cơ quan chức năng để góp phần làm cho Luật được soạn thảo đầy đủ, hoàn thiện hơn.

        Trân trọng./.

 

                                                            Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2024

                                                       CHỦ TỊCH HIỆP HỘI QUẢNG CÁO VIỆT NAM

                                                                          Nguyễn Trường Sơn