Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012 thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam, phù hợp với sự phát triển của hoạt động quảng cáo và xu thế hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành, Luật Quảng cáo đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập và chưa theo kịp thực tiễn đời sống. Một trong những bất cập có thể kể đến là vấn đề quản lý hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ, người nổi tiếng trên các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google hay NetFlix, Telegram).
Trước thực tiễn đó, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Trong đó, điểm sửa đổi đáng chú ý tại dự thảo Luật là đã bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân này.
Liên quan đến công cuộc sửa đổi Luật Quảng cáo, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam với vai trò là tổ chức nghề nghiệp về ngành quảng cáo luôn tích cực phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp, chủ động góp ý, đề xuất sửa đổi một số điều liên quan đến Luật Quảng cáo.
Trao đổi tại buổi chia sẻ với Truyền hình Quốc hội về chủ đề "Sửa đổi Luật Quảng cáo - chống quảng cáo sai sự thật" sáng 1/11, nhà báo, đạo diễn Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết: "Luật Quảng cáo hiện hành chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó, chưa có chế tài hoặc ràng buộc với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo sai sự thật. Luật cũng chưa yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về các nội dung cung cấp. Vì vậy, Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi đã tìm cách lấp những khoảng trống này".
Ngoài ra, nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo trực tuyến, quảng cáo ngoài trời cũng được Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cùng Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục Vũ Minh Đạo bàn luận. Qua đó, đề xuất giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành quảng cáo phát triển trong khuôn khổ của pháp luật. Trước đó, chương trình cũng đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam để minh họa thêm cho chương trình.
Dự kiến, chương trình sẽ phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc hội vào ngày 8/11/2024, trước ngày Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV này.