Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua năm 2012 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng đối với việc hoàn thiện chính sách pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Qua thời gian, Luật Quảng cáo đã có những đóng góp quan trọng, đưa hoạt động quảng cáo ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc phát triển đời sống kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, những quy định này sau 10 năm triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và của nền kinh tế cả nước nói chung.
Do đó, Luật Quảng cáo cần được sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Nhận định về xu thế phát triển của ngành quảng cáo, ông Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh, quảng cáo trực tuyến đang trở thành xu hướng chính trong ngành quảng cáo. Thế nhưng, Luật Quảng cáo 2012 chưa có quy định cụ thể đối với hình thức quảng cáo này mà mới chỉ đề cập đến quy định về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khung pháp lý cũng như quản lý đối với hình thức quảng cáo này.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này đã bổ sung thêm các quy định liên quan đến hoạt động quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số. Theo đó, dự thảo đã bổ sung quy định về quảng trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức khác, quảng cáo trên mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến… Điều này đã cho thấy sự mạnh dạn, đổi mới, đột phá trong công tác quản lý, điều hành hoạt động quảng cáo và có sự định đoán tương lai để đảm bảo tính khả thi, ổn định lâu dài khi Luật khi được ban hành.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều tọa đàm lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung về hình thức, nội dung, phương tiện quảng cáo; về thủ tục hành chính; về phương thức quản lý quảng cáo... sát hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, quảng cáo trực tuyến là vấn đề nổi bật, nhận được nhiều sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức.
Góp ý về Dự thảo Luật Quảng cáo, ông Trần Hùng - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị xem xét lại tên Điều 23. Theo ông, khái niệm “quảng cáo trên mạng” trong Điều 23 chưa chuẩn xác, nghe còn dân dã. Không chỉ vậy, mỗi văn bản khi nói đến “quảng cáo trên mạng” lại đưa ra một khái niệm khác nhau như “quảng cáo online”, “quảng cáo trên nền tảng Internet”, “quảng cáo trên môi trường mạng”, “quảng cáo kỹ thuật số”... Từ thực tiễn này, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề xuất đổi tên Điều 23 thành “quảng cáo trực tuyến” (Internet Advertising) để phù hợp và thống nhất với thuật ngữ quốc tế.
Cũng theo ông Hùng, Dự thảo Luật Quảng cáo dù có nhiều sửa đổi tích cực, phù hợp với xu thế song vẫn còn thiếu chặt chẽ. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2 của Dự thảo quy định “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 06 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 02 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không giải thích rõ đâu là những không cố định và đâu là vùng cố định cũng như quy định về việc đặt quảng cáo ở những vùng cố định.
Tương tự, quy định “sản phẩm quảng cáo phải được đặt ở vị trí theo quy định, không đặt vào trong hoặc cạnh nội dung vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam; không quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam” tại điểm b, khoản 3 cũng cần được Dự thảo chỉ ra “vị trí theo quy định” là vị trí nào.
Liên quan đến quy định về vị trí đặt quảng cáo, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Quảng cáo cho rằng, bản chất của quảng cáo là khoa học, là sáng tạo. Vì vậy, quy định này nếu được áp dụng sẽ làm mất đi tính sáng tạo của quảng cáo.
Hay tại điểm đ, khoản 2, Dự thảo quy định “Người sử dụng mạng xã hội phải đưa ra tuyên bố hoặc sử dụng tính năng được mạng xã hội cung cấp để phân biệt nội dung, thông tin chia sẻ, đăng tải thông thường với nội dung, thông tin có mục đích quảng cáo hoặc được tài trợ”.
Ông Hùng chỉ ra thực tế, hiện nay rất nhiều người đang sử dụng mạng xã hội nhưng không nhằm mục đích quảng cáo. Do đó, Dự thảo có thể cân nhắc sửa đổi cụm “người sử dụng mạng xã hội” thành “người sử dụng mạng xã hội để quảng cáo” nhằm tăng tính chặt chẽ cho văn bản pháp lý.
Góp ý thêm về Dự thảo, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, khoản 5 của Điều 23 được hiểu là quy định dành cho cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài lẫn trong nước kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng phải thực hiện.
Tuy nhiên, nếu điểm a của khoản 5 chỉ quy định những tổ chức, cá nhân (trong nước) đã thực hiện đăng ký kinh doanh về quảng cáo phải thông báo thông tin đầu mối liên hệ với là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không bao quát hết các đối tượng. Trong khi đó, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã không quy định quảng cáo là nghề kinh doanh có điều kiện, không phải đăng ký kinh doanh. Do đó, ông Hùng đề xuất bỏ quy định hình thức, thời gian thông báo, thời gian gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết.
Về quy định thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Việt Nam đối với hoạt động quảng cáo trên mạng do các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam được quy tại điểm b, khoản 6 của Dự thảo, theo ông Hùng, quy định này là khó khả thi.
Lý giải điều này, đại diện Hiệp hội Quảng cáo cho rằng, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính ở nước ngoài sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo Luật của Việt Nam. Vì vậy, Dự thảo Luật Quảng cáo cần xem xét thay hình thức xử phạt hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quảng cáo trên mạng xuyên biên giới vào Việt Nam bằng hình thức xử lý khác có tính khả thi và hiệu lực hơn.
Tại tọa đàm "Quản lý quảng cáo trực tuyến - Hàm ý chính sách và góp ý nội dung sửa đổi Luật Quảng cáo", ông Vũ Minh Đạo - Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Giáo dục Văn phòng Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao ý kiến đóng góp của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. Theo đó, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất; đồng thời bày tỏ mong muốn, các hội viên và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tiếp tục có những góp ý thiết thực đối với dự án Luật này trong thời gian tới, nhằm một mục tiêu tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Dự kiến, Quốc hội sẽ chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vào tháng 5/2025.