QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG: CẦN THAY ĐỔI ĐỂ LÀM "QUẢNG CÁO SẠCH"

QUẢNG CÁO TRÊN MẠNG: CẦN THAY ĐỔI ĐỂ LÀM "QUẢNG CÁO SẠCH"

29/03/2024 304
(TT&GĐ) Tại hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp quảng cáo và chuyên gia đã đưa ra giải pháp để làm "quảng cáo sạch" trên không gian mạng.

Ngăn chặn quảng cáo xấu độc trên không gian mạng

Toàn cảnh Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng với chủ đề “Tuân thủ - An toàn - Trách nhiệm”

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng với chủ đề “Tuân thủ - An toàn - Trách nhiệm”, lãnh đạo Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử đã thông tin về kết quả trong hơn một năm triển khai các giải pháp chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là bộ giải pháp Whitelist - nội dung được xác thực khuyến nghị quảng cáo và Blacklist - nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật yêu cầu không quảng cáo.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ( Bộ TT&TT) cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp quảng cáo lớn đều đã chú trọng sử dụng Blacklist, chủ động xây dựng Blacklist do Bộ TT&TT khuyến cáo. Các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo và các nhãn hàng cũng đã đồng hành ủng hộ Bộ TT&TT trong việc không hợp tác quảng cáo với những KOL, người nổi tiếng có hành vi vi phạm.

Đặc biệt, các đơn vị làm quảng cáo đã hợp tác trực tiếp với Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&T) để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này muốn hoạt động tại Việt Nam thì phải đảm bảo an toàn cho thương hiệu, cho các nhà quảng cáo và phải tăng cường các bộ lọc, biện pháp kỹ thuật để doanh nghiệp yên tâm khi quảng cáo trên nền tảng.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phát biểu tại hội nghị

Kết quả, trong năm 2023, trên YouTube đã chặn gỡ 25 kênh nội dung phản động, xấu độc, gấp 5 lần so với năm 2022. Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã xử phạt 10 doanh nghiệp với tổng số tiền 175 triệu đồng và nhắc nhở 15 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có hành vi vi phạm pháp luật.

Cũng theo số liệu từ Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&T) công bố, từ giữa năm 2022 đến nay, Blacklist đã quét phát hiện 47 trang và tài khoản Facebook có dấu hiệu vi phạm pháp luật; 102 kênh YouTube có dấu hiệu vi phạm pháp luật; 403 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bộ cũng yêu cầu các tổ chức vi phạm cam kết: Nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan quản lý nhà nước; Yêu cầu Google, Facebook dừng quảng cáo sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp trên các kênh vi phạm; Có giải pháp loại bỏ các kênh/nội dung vi phạm; Không hợp tác quảng cáo với các tổ chức, nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.

nh 22222
Năm 2023, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã xử phạt 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.

Theo lãnh đạo Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT), tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng vào tháng 5/2023, Bộ TT&TT đã truyền đi thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Tuy nhiên, đến nay thông điệp này chưa đi vào thực tế, Whitelist cũng chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng, đa số doanh nghiệp không sử dụng danh sách này dù Bộ TT&TT đã nhiều lần khuyến nghị.

Nguyên nhân chưa phát huy hiệu quả là do các doanh nghiệp, đơn vị chủ quan, chạy theo lợi nhuận, có xu hướng quảng cáo tràn lan trên các trang thông tin điện tử (website, kênh, tài khoản cá nhân) vi phạm, kém chất lượng. Mặc dù doanh nghiệp, đơn vị có ý thức sử dụng và cập nhật danh sách loại trừ hiển thị quảng cáo khỏi vị trí vi phạm (Blacklist) nhưng không thể đảm bảo rà soát và xây dựng được Blacklist đầy đủ do bị phụ thuộc vào tính chất đặc thù của nội dung trên internet.

Cần thay đổi để quảng cáo trực tuyến tốt hơn

 


Ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) chia sẻ tại hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Anh Chiến - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) cho biết các DN kinh doanh quảng cáo nên ưu tiên nền tảng quảng cáo ở Việt Nam và chính thống.

"Khi các quảng cáo đưa lên cơ quan báo chí như VTV chắc chắn được bảo vệ thương hiệu và đảm bảo nội dung đã được kiểm soát là sạch" - ông Chiến chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, hiện các nền tảng MXH có lượng người dùng tương tác đông đảo. Tuy nhiên, hệ sinh thái truyền thông số của báo chí Việt Nam cũng rất phát triển. Hiện Việt Nam có hơn 900 cơ quan báo chí với lượng người dùng ngày càng phát triển như nền tảng VTVGo hay còn có nền tảng số phát thanh, nền tảng báo chí. “Các cơ quan báo chí hiện nay đều đã lên nền tảng số, MXH nên tương tác cũng rất lớn và người dùng ngày càng tăng”.

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho hay, việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải pháp quyết liệt, đã đề ra những nghị định rất kịp thời để xử lý những vấn đề "lộn xộn" quảng cáo ảnh hưởng đến nền tảng mạng xã hội.

 


Ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Theo ông Sơn, chúng ta biết rằng các tập đoàn lớn đều sử dụng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu. Nhưng hiện nay trên nền tảng mạng xã hội có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, các phát sinh trên nền tảng mạng xã hội đặt ra bài toán khó đối với Bộ TTTT và các doanh nghiệp lớn hiện nay. Vì thế các nền tảng của Việt Nam và các cơ quan báo chí việt Nam luôn gặp khó khăn trong vấn đề quảng cáo.

"Tại sao chúng ta luôn có độc giả người Việt, nhãn hàng kinh doanh đều cho người Việt Nam tiêu dùng mà không chọn đơn vị quảng cáo trong nước mà sử dụng nền tảng quảng cáo xuyên biên giới, đây là câu hỏi trăn trở của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, muốn giải quyết cốt lõi thì phải có nhiều đơn vị quảng cáo phải chuyển đổi số, thay đổi bản thân như VTVGo để tạo ra sức mạnh tổng thể" - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, ông Sơn cũng đưa ra dẫn chứng về dự thảo luật quảng cáo sửa đổi trước nghị định 70 ảnh hưởng đến việc quảng cáo của cơ quan báo chí so với nền tảng Youtube bản tiếng Anh và nền tảng xuyên giới.

“Trong dự thảo luật quảng cáo sửa đổi các cơ báo chí Việt Nam chỉ được quảng cáo 3 giây, Youtube quảng cáo 5 giây hay các nền tảng xuyên biên giới 7 giây. Việc trong dự thảo quảng cáo 3 giây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nền tảng của cơ quan báo chí Việt Nam. Vì thế các nền tảng quảng cáo của báo chí Việt Nam khó cạnh tranh với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới" - ông Sơn nêu ra ý kiến.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí Việt Nam bị kìm hãm bởi tôn chỉ mục đích nên rất khó thu hút được quảng cáo về vấn đề nội dung. Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cũng mong muốn Bộ TTTT tạo điều kiện để các nền tảng báo chí chính thống Việt Nam được công bằng với các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới; Tạo điều kiện để nội dung mảng quảng cáo trên báo chí phù hợp với yêu cầu các nhãn hàng.

Sau khi Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử ( Bộ TT&TT) đã ghi nhận, tiếp thu và sẽ có đề xuất để sửa lại ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT - Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh mục tiêu chung, đảm bảo nội dung quảng cáo trên mạng là lành mạnh, thay đổi để hoạt động quảng cáo trực tuyến tốt hơn. Để làm được điều đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm mong muốn các doanh nghiệp, đơn vị làm quảng cáo là những “người trong cuộc” đóng góp các ý tưởng, đề xuất những phương pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả, thể hiện trách nhiệm với ngành quảng cáo và xã hội.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghịCũng theo Thứ trưởng Bộ TT&TT, bên cạnh việc chặn nội dung xấu, độc cần phải khuyến khích nội dung sạch, xác thực, bao gồm cả các kênh được quản lý. Đồng thời, "chúng ta cũng đang có những người sáng tạo nội dung sạch".

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ làm việc chặt chẽ với các Sở TT&TT các tỉnh/thành phố để cùng chung tay mở rộng “White List” và cả “Black List”. Để đẩy nhanh phương pháp, mở rộng “White List” các DN kinh doanh, mạng lưới quảng cáo nghiên cúu thêm phương thức công nghệ để xác thực đơn vị trong “White List” nhanh hơn. Cùng với đó, có cách thức nhận biết các kênh công nghệ để đẩy quảng cáo nhanh và giá phù hợp.

Thứ trưởng khẳng định: "Sự quan tâm của các bên liên quan, cùng với báo chí, hội nghị thống nhất cùng thay đổi thực trạng hiện nay hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn mà ở đó là câu chuyện các bên cùng thắng, và người hưởng lợi cuối cùng là cả xã hội, khách hàng, là những giá trị văn hoá mà chúng ta phải bảo vệ, phải được lan toả trên không gian mạng.