Doanh nghiệp trăn trở về quảng cáo ngoài trời

Doanh nghiệp trăn trở về quảng cáo ngoài trời

28/04/2024 200
(SHTT) Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.

Tại hội thảo, đại diện các công ty trong lĩnh vực quảng cáo cùng các cơ quan quản lý Nhà nước đã đặt vấn đề quan tâm đến quảng cáo ngoài trời và quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hiện.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Luật Quảng cáo khi được ban hành phải tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật cũng phải đồng bộ giữa các lĩnh vực liên quan từ đó giúp các cơ quan quản lý giảm bớt được những bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam kiến nghị, Luật Quảng cáo sửa đổi phải đồng bộ hoá các bộ luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quảng cáo ngoài trời. Quy hoạch theo tiêu chuẩn chứ không nên quy hoạch theo vị trí địa lý. Ngoài ra, nên đồng bộ việc cấp giấy phép quảng cáo thông qua cổng thông tin dịch vụ công và bổ sung các quy định về cấp phép màn hình Led.

anh 1

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam. 

 

“Đề nghị cơ quan quản lý rút ngắn thời gian cấp phép quảng cáo từ 5 - 7 ngày, thay vì phải đợi 15 ngay như quy định hiện nay. Đồng thời, cần làm rõ việc cấp phép quảng cáo trên hành lang an toàn giao thông, có cho phép các bảng quảng cáo được lấn vào hành lang miễn là đảm bảo an toàn hay không? Nếu không cho phép thì số phận những bảng quảng cáo cũ đã lấn hành lang an toàn sẽ xử lý như thế nào?”, ông Đảo nêu quan điểm. 

Ông Đỗ Kiên Dũng - Giám đốc Học viện ART nhận định Luật Quảng cáo (sửa đổi) phải có tầm nhìn 10 đến 20 năm vì hiện nay thực tế quảng cáo bằng thiết bị điện tử rất phát triển. Ông Dũng cũng tâm đắc với việc cần có biện pháp quản lý các quảng cáo không xin phép.

Đồng quan điểm với ông Dũng, ông Trần Việt Tân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng về lâu dài, các hình thức quảng cáo bằng pano đèn led cần ứng dụng công nghệ trong truyền tải bội dung quảng cáo. Đồng thời nên hợp tác với những đơn vị uy tín để bảo mật phần mềm, dữ liệu quảng cáo.

anh 2

 Các đại biểu tham gia góp ý về Luật Quảng cáo sửa đổi.

 

Ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam - cũng cho rằng cần có chế tài quản lý những cá nhân làm quảng cáo trên mạng xã hội, có khung pháp lý bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng trước những trang mạng xã hội xuyên biên giới.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho rằng hiện nay vẫn còn các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời chưa thực hiện đúng trách nhiệm nên rất khó khăn trong công tác quản lý. “Luật Quảng cáo phải có tính đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Phải có quy hoạch cụ thể để dễ quản lý những bảng quảng cáo tự phát không đúng quy định…”, ông Đâu nêu ý kiến. 

Bên cạnh quảng cáo ngoài trời, nhiều vấn đề cũng được đặt ra và thảo luận đa chiều tại Hội thảo như: Quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Quy định về quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới: Quảng cáo trong chương trình thời sự để phân biệt với bản tin hay các chương trình khác; quy định về hoạt động quảng cáo, số lần ngắt để quảng cáo trong chương trình phim truyện; quảng cáo lồng ghép trong phim; quy định về hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

 

Tại hội thảo, đại diện ban soạn thảo, tổ biên tập đã giới thiệu về tiến độ, bố cục và nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Về tiến độ: Hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung đã được Chính phủ thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023. Sau đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ đồng ý đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024, theo đó, Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thứ 13 (tháng 5/2025).

Về Bố cục: Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung 20 điều, khoản; bổ sung 03 Điều mới); Điều 2 bãi bỏ một số điểm, khoản của Luật Quảng cáo và Điều 3 về Điều khoản thi hành.

Về các điểm mới: Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo giữ nguyên một số quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; phương tiện quảng cáo; hoạt động quảng cáo trên các phương tiện: điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông; biển hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; quảng cáo có yếu tố nước ngoài.

 

(Nguồn: SHTT, đọc bài gốc tại đây)