ĐỂ QUẢNG CÁO TRỞ THÀNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRỌNG ĐIỂM

ĐỂ QUẢNG CÁO TRỞ THÀNH NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TRỌNG ĐIỂM

08/02/2024 549

(DNSG) Ông Nguyễn Thanh Đảo - Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA) cho rằng, Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, do UBND TP.HCM vừa ban hành mới đây, có vai trò quan trọng, giúp “xốc lại” ngành văn hóa nói chung và ngành quảng cáo nói riêng trên địa bàn TP.HCM.

 

Sản phẩm quảng cáo phải phù hợp với văn hóa dân tộc

Ông Nguyễn Quang Nhựt - Phó Chủ tịch HAA cho rằng, Việt Nam là đất nước năng động, nền kinh tế phát triển nhanh, nền văn hóa có tính tổng hợp, tiếp kiến văn hóa nhiều khu vực Á, Âu. Giới trẻ Việt nhanh nhạy, có khả năng vận dụng truyền thông online và mạng xã hội. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được biểu tượng văn hóa tầm khu vực trong tương lai, nếu có một tầm nhìn chiến lược tốt.

Để quảng cáo trở thành ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của thành phố, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), ngành quảng cáo cần phải chủ động, sáng tạo không chỉ về phía nội dung mà cả phương thức thể hiện. Làm sao để các sản phẩm quảng cáo có thể tiếp cận được công nghệ hiện đại nhưng vẫn phải giữ được nét văn hóa dân tộc.

Theo ông Hòa, dù AI (Trí tuệ nhân tạo - Artificial intelligence) có phát triển, công nghệ ngày càng hiện đại, tuy nhiên, máy móc vẫn không thể thay được con người. Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp ngành quảng cáo trong việc nâng cao năng lực để vừa tiếp thu được các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời vẫn phải giữ được nét truyền thống, văn hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA: "Quảng cáo phải giữ được nét văn hóa dân tộc"

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Đảo cho rằng, trong các sản phẩm quảng cáo sáng tạo phải lồng ghép giá trị văn hóa nhân văn, tinh thần dân tộc. Để làm được điều này, mỗi doanh nghiệp quảng cáo cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa doanh nghiệp phát triển, từ đó cả ngành quảng cáo sẽ phát triển, đóng góp nhiều hơn vào giá trị của xã hội.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật trong quảng cáo. “Không thể có sản phẩm quảng cáo mang tính văn hóa nếu sản phẩm đó vi phạm pháp luật”, ông Đảo nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Đảo, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM: "Các sản phẩm quảng cáo phải lồng ghép giá trị văn hóa nhân vân, tinh thần dân tộc".

 

Cần sự chung tay góp sức của các thành phần kinh tế

Ông Trần Việt Tân - Phó Chủ tịch HAA nhận định, hiện tại các lĩnh vực truyền thông, sự kiện và quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đang bị phân mảng rời rạc và thiếu tập trung, thiếu liên kết chia sẻ tài nguyên giữa các ngách nhỏ trong ngành quảng cáo, điều này làm suy yếu nội lực cạnh tranh. Quảng cáo là một phần tất yếu của thị trường và kinh doanh, là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Nhựt chia sẻ, ngành công nghiệp văn hóa cần phương tiện truyền tải. Thành phố cần có các phương tiện đủ sức mạnh truyền đạt đến đại đa số cư dân. Đồng thời, ngành công nghiệp văn hóa cần sự chung tay góp sức của các thành phần kinh tế, gồm cả kinh tế tư nhân thông qua mở cơ chế hợp tác công tư.

 

Đề xuất đưa ngành quảng cáo trở thành ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm của Thành phố, ông Bùi Minh Quân - Phó Chủ tịch HAA cho rằng cần tập trung: Tăng cường mối quan hệ trong cộng đồng ngành quảng cáo và xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ giữa các thành viên trong Hội.

Bên cạnh đó, HAA cần tạo ra các chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp, phát triển kỹ năng và bắt kịp những xu hướng mới trong ngành; Xây dựng mối quan hệ đối tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quảng cáo quốc tế để tạo cơ hội hợp tác và mở rộng ảnh hưởng của HAA; Phát triển chiến lược thương hiệu mạnh để tăng cường uy tín của HAA và thu hút sự chú ý từ cộng đồng quảng cáo cùng các đối tác.

(Theo Doanh nhân Sài Gon)