Quảng cáo truyền hình là gì?

Quảng cáo truyền hình là gì?

17/03/2017 3702
Nhiều người cho rằng quảng cáo truyền hình là quá nhiều, nhàm chán và không ai quan tâm. Đừng tin là không ai quan tâm đến quảng cáo truyền hình, đừng tin quảng cáo truyền hình toàn là nhàm chán. Ít nhất là 4/10 người sẽ quan tâm và không thấy bị nhàm chán và 4/10 là rất nhiều.
Thực tế, chưa một kênh thông tin nào đạt được mức độ truyền thông tin nhanh, hiệu quả và lớn như truyền hình. Trước đây, đã có thời, doanh nghiệp có thể vươn tới 90, thậm chí 95% thị trường mục tiêu của mình chỉ thông qua quảng cáo truyền hình. Ngày nay, tuy hiệu quả truyền thông không còn được như vậy bởi sự cạnh tranh và phân hoá các kênh truyền thông nhưng truyền hình vẫn là kênh chủ chốt giúp doanh nghiệp vươn nhanh và rộng lớn đến thị trường hơn bất kỳ kênh truyền thông nào khác.

Vị trí, vai trò và ý nghĩa của kênh truyền thông Truyền hình tại Việt Nam đặc biệt quan trọng hơn so với các quốc gia khác bởi uy tín riêng có của Truyền hình Việt Nam. Với việc được thừa hưởng uy tín từ kênh truyền thông chính thống và duy nhất của quốc gia, truyền thông truyền hình trở thành chuẩn mực trong tâm lý và tiềm thức của người dân Việt Nam. Do đó, nó có vị trí, ý nghĩa hàng đầu trong hoạt động truyền thông, xây dựng thương hiệu của hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh và phát triển tại thị trường Việt Nam.

Ý thức được vấn đề đó, hầu hết các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang đầu tư chi phí rất lớn cho quảng cáo truyền hình, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lại hầu như chưa tận dụng được kênh truyền thông uy tín và hiệu quả này.

Kết quả để làm sao cho hoạt động truyền thông truyền hình của doanh nghiệp đạt hiệu quả tối ưu thì không phải doanh nghiệp nào cũng biết, Bởi ngày nay, kênh truyền hình cũng đang phát triển và phân hoá mạnh mẽ cũng như khán giả truyền hình cũng phân hoá mạnh mẽ, ít trung thành hơn, ít thời gian xem truyền hình hơn và đặc điểm xem truyền hình cũng phong phú, đa dạng hơn. Do vậy, các doanh nghiệp nhất thiết phải được nghiên cứu và tư vấn sâu sắc cho hoạt động truyền thông truyền hình của mình để đạt được tốt nhất mục tiêu truyền thông.
 
Quảng cáo truyền hình tác động đến doanh nghiệp như thế nào?
 
QC trên truyền hình cũng là một hình thức QC phổ biến được các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng. Có đến 74,2% các doanh nghiệp đã từng sử dụng hình thức QC này. Hiện nay, con số này đã tăng lên 80,6%. Tỷ lệ này có thể giảm xuống một chút trong tương lai nhưng vẫn giữ ở mức cao (77,4%). 22,6% các doanh nghiệp chi trả để duy trì một QC trên truyền hình trong thời gian lâu nhất so với các hình thức QC thông qua PTTTĐC khác.

Mức độ sử dụng hình thức QC trên truyền hình của các doanh nghiệp thấp hơn so với QC trên báo/ tạp chí. 32,3% doanh nghiệp thường xuyên sử dụng truyền hình làm phương tiện QC trong khi tỷ lệ này đối với báo và tạp chí cao hơn 50%. 6,5% các doanh nghiệp chưa bao giờ QC các sản phẩm/ dịch vụ của mình trên ti vi, 12,9% một vài lần sử dụng hình thức QC qua truyền hình, trong khi không có doanh nghiệp nào chưa bao giờ QC qua báo và tạp chí.


Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng hình thức QC trên truyền hình đều thông qua các kênh của Đài truyền hình VN (VTV/ VCTV). Truyền hình kỹ thuật số cũng là các kênh truyền thông khá mới mẻ ở nước ta nhưng cũng đã có đến 54,8% các doanh nghiệp lựa chọn kênh truyền thông này để đăng tải các chương trình QC.


Khi QC trên truyền hình, thời lượng QC thường là 30 giây (50%). Các thời lượng 20 giây, 45 giây và 60 giây cũng thường xuyên được lựa chọn (khoảng 30%). Thời lượng ít hơn hoặc nhiều hơn ít được các doanh nghiệp lựa chọn để đăng tải QC (chỉ dưới 10%). Trong các doanh nghiệp được điều tra, không doanh nghiệp nào có các QC trên truyền hình với thời lượng quá 2 phút.

Thời điểm các QC xuất hiện nhiều nhất là trong các chuyên mục QC (93,5%). Kế đến là các bộ phim truyện/ phim truyền hình (70%). Khoảng 50% các doanh nghiệp lựa chọn thời điểm xuất hiện QC của doanh nghiệp mình trong các chương trình/ nội dung về thời sự, chính trị, văn hóa xã hội, các gameshow, các talkshow/ diễn đàn trao đổi, hỏi đáp; 35,5% các QC của các doanh nghiệp được đưa vào trong các chương trình ca nhạc, nghệ thuật, sân khấu.


Thời điểm xuất hiện QC thường vào trước/ phần đầu các chương trình. 80% các doanh nghiệp có QC xuất hiện trong các chuyên mục QC, gắn QC của doanh nghiệp mình vào phần đầu của chương trình này, đối với các gameshow là 68,8% và các talkshow/ diễn đàn trao đổi, hỏi đáp là 66,7%. Đối với các bộ phim truyện/ phim truyền hình, thời điểm các xuất hiện QC thường được lồng vào trong/ phần giữa (81%). Hơn 30% các chương trình QC gắn vào sau/ phần cuối của các talkshow/ diễn đàn trao đổi, hỏi đáp, các bộ phim truyện/ phim truyền hình và các chuyên mục QC. 41,7% các doanh nghiệp có các chương trình QC gắn với các chương trình ca nhạc, nghệ thuật, sân khấu, lồng chương trình QC của mình xuyên suốt chương trình. Ở các chương trình khác, chỉ khoảng 10% các QC xuyên suốt toàn bộ chương trình.


QC qua truyền hình là một hình thức QC vô cùng phổ biến. Có tới 4/5 mẫu nghiên cứu sử dụng hình thức QC này ở mức độ nhiều lần và thường xuyên. Hầu hết các doanh nghiệp (93,5%) lựa chọn các kênh của Đài truyền hình VN (VTV/VCTV) để phát các chương trình QC của mình. Cũng có tới 54,8% doanh nghiệp có các QC xuất hiện trên các kênh của Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC), mặc dù đây là kênh truyền thông khá mới mẻ ở nước ta. Một nửa số doanh nghiệp được hỏi có thời lượng QC trên truyền hình vào khoảng 30 giây. Các doanh nghiệp có QC mà thời lượng phát sóng trên 90 giây rất thấp, chỉ chiếm 6,6% mẫu điều tra. Các chương trình mà QC của các doanh nghiệp thường xuất hiện là các chuyên mục QC (93,5%), các bộ phim truyện/ phim truyền hình (70%) và các chương trình/ nội dung về thời sự, chính trị, văn hóa xã hội (51,6%). Các chương trình khác như các gameshow, các talkshow/ diễn đàn trao đổi, hỏi đáp và các chương trình ca nhạc, nghệ thuật, sân khấu có dưới 50% các doanh nghiệp lựa chọn để gắn chương trình QC của mình. Hầu hết QC của các doanh nghiệp thường được gắn vào phần đầu các chương trình đó. Tỷ lệ các doanh nghiệp dự định sẽ sử dụng hình thức QC này vẫn rất cao (77,4%), mặc dù đã giảm đôi chút so với hiện tại (80,6%).

 

(Theo Luận án của Đồng Xuân Thụ)